thơ thiền
tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
thời tiết "nhân duyên" vốn tại trời.
mây núi nào không bay cạnh núi,
sóng nào chẳng ở chốn xa khơi.
hoa nở tháng ba, luôn vẫn vậy.
gà gáy canh năm đánh thức người.
cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
mới biết phù du sống ở đời.
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230–1291), tên thật là Trần Tung, là một nhân vật kiệt xuất đời Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là anh ruột của vua Trần Thánh Tông, sinh trưởng trong hoàng tộc nhưng lại chọn một cuộc sống thanh nhàn, đạm bạc.- Tuệ Trung Thượng Sĩ
Từ nhỏ, Tuệ Trung đã sớm bộc lộ trí tuệ hơn người. Ông từng tham gia quân sự, lập công lớn trong kháng chiến chống Nguyên Mông, được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng Tuệ Trung là một vị tướng có một tâm hồn hướng về đạo Phật. Ông rũ áo từ quan lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang và sống cuộc đời thanh thản, chuyên tâm nghiên cứu thiền học. Ông không xuất gia nhưng được tôn kính như một bậc thiền sư, được người đương thời gọi là Thượng sĩ, thể hiện sự kính trọng.
Tư tưởng Phật học của ông mang tinh thần Thiền Tông sâu sắc, đề cao trực giác, tự tại, vượt qua hình thức nghi lễ. Tác phẩm tiêu biểu của ông là "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục", ghi lại những đối thoại, thi kệ thấm đẫm tinh thần giác ngộ tự tâm.
Tuệ Trung Thượng Sĩ là người đã ảnh hưởng lớn đến vua Trần Nhân Tông, người sau này sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử – dòng thiền mang bản sắc riêng của dân tộc Việt.
Ông mất năm 1291, hưởng thọ 61 tuổi. Ngày thị tịch, Tuệ Trung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở Dưỡng Chân Trang, giữa thiền đường lớn. Ông nằm xuôi theo kiểu cát tường, mắt nhắm. Những người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên. Ông mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?”. Nói xong thì tịch một cách êm ái, để lại hình ảnh một con người uyên bác mà khiêm tốn, xuất thế giữa chốn thế gian, sáng ngời đạo hạnh.
Comments